Ấm ức vì có gì ghẻ

(Nguồn tin tuc online) Từ ngày bố có vợ hai tôi chẳng muốn về nhà dù chỉ là một phút nào, dì ấy thường hách dịch với con của chồng. Cứ gặp tôi, bà ấy lại tìm cách đay nghiến.

Nhiều lần tôi im lặng bỏ qua. Thậm chí thức ăn tôi nấu dì không thèm đụng đũa, lại tỏ thái độ ghét tôi ra mặt. Vì dì sinh được con trai nên bố tôi rất cưng, chả dám nặng lời. Tôi chán cái gia đình như thế lắm rồi. Tôi không muốn về nhà. Hiện tại tôi chỉ biết cố gắng đi làm và đi học, để sau này có một cuộc sống tốt đẹp hơn và có một gia dinh hạnh phúc hơn. Tôi phải làm gì bây giờ? (Thụy)

Ảnh minh hoạ


Trả lời:


Chào Thụy,

Đọc những dòng tâm sự của bạn, nếu tôi không lầm thì hình như bạn là cô gái và trước đây chắc hẳn bạn được bố thương yêu hết mực? 

Trước hết, tôi chia sẻ với bạn nỗi buồn mẹ kế con chồng mà bạn đang gặp phải. Sự cô đơn trong chính gia đình mình thật kinh khủng, nhất là trong những ngày lễ Tết, khi mọi người đang vui vẻ sum vầy bên nhau. Tuy nhiên, vì thư bạn viết quá ngắn gọn nên tôi còn nhiều vấn đề thắc mắc, bạn hãy suy nghĩ về những điều tôi gợi ý sau nhé:

Bạn có thử đặt vấn đề tìm hiểu nguyên nhân tại sao mối quan hệ giữa mẹ kế và bạn không được tốt đẹp? Mẹ kế có điều gì đó không hài lòng về bạn chăng? Hoặc có thể trước đây bạn không ủng hộ việc bố đi bước nữa với dì? Hoặc dù không cãi với mẹ kế, nhưng việc làm của bạn lại thể hiện ra sự không tôn trọng dì ấy?

Lời người xưa “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, trước khi trách người khác hãy trách chính mình trước bạn ạ. Tất nhiên, trách bản thân ở đây không có nghĩa là mình sai hoàn toàn đâu bạn. Trách bản thân ở đây có nghĩa là hãy nhìn lại cách ứng xử của chính mình đã có những gì không hoàn thiện hay không bạn nhé.

Người có thể giúp bạn giải quyết tình hình căng thẳng hiện nay không ai khác chính là bố bạn. Bạn cần nói chuyện với ông ấy để tìm hiểu xem mẹ kế có điều gì đó chưa được hài lòng về bạn, bà ấy mong muốn điều gì ở bạn? Bên cạnh đó, bạn cũng cần chủ động tìm cách nói chuyện tạo sự giao tiếp với mẹ kế từ những điều nhỏ nhất, chẳng hạn có thể hỏi ý kiến mẹ kế về những vấn đề riêng tư của phụ nữ trong cuộc sống. Và nên đối xử thân thiện hơn với cậu em trai cùng cha khác mẹ với mình.

Qua thư bạn, tôi thấy những ứng xử của bạn đối với mẹ kế hiện nay mới ở mức độ là sự giao tiếp khách sáo như những người xa lạ ở chung một nơi trọ, vẫn còn mang nặng tính dè chừng cố gắng không để xảy ra phiền toái chứ chưa hẳn là ứng xử giữa những người thân thuộc trong gia đình. Và điều quan trọng hơn cả, bạn vẫn đang nhìn người phụ nữ ấy dưới con mắt là một bà mẹ kế có con trai nên "chảnh". Do đó điều đầu tiên cần làm là thay đổi cách nhìn của chính mình, hãy mở lòng mình ra trước bạn nhé.

Bạn là người được đi xa, được giao tiếp bên ngoài nhiều hãy tập cho mình một cách nhìn thoáng hơn. Hãy tập cho mình cách nhìn, ứng xử và giao tiếp với mẹ kế như với mẹ bạn trước đây.

Có thể lúc đầu, đáp lại những cử chỉ thân thiện của bạn sẽ có một sự ngờ vực từ mẹ kế: "Liệu rằng có một âm mưu gì không?". Nhưng nếu bạn thực sự chân tình, muốn xây dựng một mối quan hệ tốt với mẹ kế, thì với thời gian "nước chảy đá mòn" chắc hẳn dì sẽ dần nhận ra sự chân tình của bạn. Khi ấy không có lý do gì bà ấy lại không thể thay đổi thái độ được đúng không bạn? Có thể lúc đầu bạn sẽ thấy rất khó để làm được như vậy, nhưng khó không có nghĩa là không thể bạn ạ.
Cuối cùng tôi gửi đến bạn một câu nói của Mohammed, người sáng lập đạo Hồi rằng: "Nếu núi không đến với Mohammed thì Mohammed sẽ đến với núi". Câu này rất phù hợp với bạn hiện nay. Hãy mở lòng mình ra trước khi muốn người khác đón nhận mình.

Chúc bạn giải tỏa được nỗi buồn trong những ngày Tết và xây dựng được mối quan hệ với mẹ kế ngày càng tốt đẹp.

Chuyên viên tư vấn Phạm Phúc Thịnh
Trung tâm tư vấn Nhịp Cầu Hạnh Phúc
Share on Google Plus

About Ngô Anh

This is a short description in the author block about the author. You edit it by entering text in the "Biographical Info" field in the user admin panel.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét